top of page
Search
  • vnfilmclub

Hồn Việt Trên Xứ Người

Updated: Mar 10, 2021

Hồn Việt trên xứ người

Chu Lynh



“If I fall, pick up the flag, kiss it, and keep on going.” (Omar Torrijos Herrera)


Một ngày trước khi rời Virginia, tôi nhận được một email ngắn của nhạc sĩ Lê Văn Khoa viết từ Kiev: “Mọi việc đã chuẩn bị xong.”


Chuyến đi này, tôi có một cảm giác kỳ lạ. Dường như lòng nặng hơn hành lý. Nôn nao pha lẫn thích thú, và cũng không thiếu lo lắng, mặc dù anh Khoa đã tới Kiev trước năm ngày để lo nơi ăn chốn ở, phương tiện đưa đón, và xem lại phần hòa âm với ban nhạc.


Máy bay rời phi trường Dulles thì trời bắt đầu tối. Ghé Luân Ðôn hai tiếng, lòng vòng khá lâu với thủ tục quan thuế trước khi lên chuyến bay British Airways đi Kiev. Máy bay tràn ngập các lực sĩ Ukraine trở về sau Thế Vận Hội Mùa Hè tại Luân Ðôn, với đồng phục sặc sỡ, và một thứ ngôn ngữ lạ tai. Nhìn nét mặt bình thản của họ, tôi chẳng biết họ đang vui hay buồn về kết quả tranh tài của Ukraine tại Thế Vận Hội.


Lần đầu tiên, tôi đến Ukraine, một xứ sở đã tách khỏi Nga sau khi khối cộng sản Liên Xô sụp đổ. Nghe nói, dù thân Tây phương, nhưng quốc gia này vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi quá khứ, một quá khứ kinh hoàng dưới thời cộng sản thống trị, với nạn đói đã giết chết hằng triệu người và những cuộc tàn sát tập thể dưới thời Staline.


Ðón tôi tại phi trường Kiev là nhạc sĩ Lê Văn Khoa, nước da trắng bóc, chẳng khác gì dân địa phương, khiến tôi ngờ ngợ khi tiến lại gần. Bên cạnh là một người da trắng, được giới thiệu là người duy nhất nói tiếng Anh trong những người chúng tôi sẽ tiếp xúc. Người thanh niên Ukraine tỏ ra thân mật ngay trong cái bắt tay đầu tiên. Cao ráo, đẹp trai, Taras có vẻ như một người Mỹ hơn là người Nga. Tôi thầm nghĩ, nếu người thanh niên bốn mươi tuổi này là nhân vật chính trong chương trình “Bachelor,” lắm cô ứng viên sẽ khóc như mưa nếu không được chọn vào chung kết.


Taras đưa chúng tôi về chung cư trong thành phố Kiev, thủ đô của Ukraine. Cũng như các chung cư vừa lướt qua trên đường, xem ra tuổi tác tòa nhà này đã già lắm rồi. Taras đã khéo léo sắp xếp cho vợ con về quê thăm gia đình, nhường căn nhà cho ba người Việt Nam. Thật bất ngờ được gặp chị Ngọc Hà, đúng hơn là ca sĩ Ngọc Hà, người bạn đời của nhạc sĩ Lê Văn Khoa.


Anh Khoa cho biết, so với dân địa phương, sở hữu căn nhà ba phòng, với chiếc xe hơi dù đã cũ, Taras được coi là hạng người khá giả. Ðừng so sánh với những apartment tiện nghi ở Mỹ, thì căn nhà này đối với ba người Việt Nam trong hoàn cảnh này, quả là một nơi trú ngụ lý tưởng.


Taras là bạn nghề nghiệp của anh Khoa, trong những lần người nhạc sĩ này qua Kiev thực hiện những chương trình về âm nhạc. Taras xem ra hiểu khá nhiều về người Việt Nam, và cũng thích thú món phở cấp kỳ do chị Ngọc Hà đứng bếp.


Nghe nói anh rất ngoan đạo, trong gia đình anh đã có hai người làm linh mục. Ngoài chức vụ nhạc trưởng, anh còn là người đi tìm hợp đồng cho các ban nhạc của Ukraine. Vợ anh cũng là nhạc sĩ, hằng năm hai vợ chồng thay nhau đi trình diễn ở Âu Châu, Canada và cả Hoa Kỳ.


Taras đã lo liệu mọi thứ, kể cả Internet. Ðặc biệt với người độc thân tại chỗ như tôi, Taras chăm sóc tận tình, buổi sáng có ly cà phê, buổi tối được dọn chỗ ngủ. Khi tôi cám ơn, Taras nói đây là cách anh phục vụ Chúa.


Sắp xếp dặn dò xong, anh cáo từ chúng tôi đến tham dự buổi Kinh Chiều tại một nhà thờ Chính Thống Giáo. Ăn xong, chúng tôi cùng xem lại những công việc đã chuẩn bị và chương trình sắp đến.


Cũng xin nói đôi điều về Vietnam Film Club. Câu lạc bộ này được thành lập tháng 9 năm 2010. Với nhân sự và những điều kiện có được, mục tiêu của câu lạc bộ là thực hiện một số phim tài liệu về giai đoạn lịch sử cận đại. Một trong những dự án đã đi được hơn nửa đoạn đường, là cuốn phim Hồn Việt Trong Quốc Kỳ Quốc Ca Việt Nam. Phần lược sử Quốc Kỳ Quốc Ca dựa theo tác phẩm nghiên cứu công phu của cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy: Tiến Trình Hình Thành Quốc Kỳ Quốc Ca Việt Nam.


Những phân đoạn nói về cuộc chiến dựng lại Quốc kỳ trên thế giới, đặc biệt tại Hoa Kỳ. Ngoài những tài liệu lịch sử, cuốn phim kể lại những câu chuyện xúc động liên quan đến lá cờ. Ðó là người thanh niên đã âm thầm vận động chính quyền địa phương dựng cờ vàng lâu dài tại thành phố Sundre của Canada. Hay ông Craig Van Hoy, nhà leo núi chuyên nghiệp đã cắm Quốc kỳ Việt Nam trên đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất thế giới.


Thật lý thú khi kể câu chuyện về cô sinh viên Nguyễn Vũ Hoàng Anh đã đấu lý với ông viện trưởng trường đại học Abilene Christian University, Texas. Kết quả là ông cho thay lá cờ đỏ bằng lá cờ vàng. Cô sinh viên đã vẽ ra cho chúng ta một viễn ảnh: cờ đỏ sẽ bị hạ xuống tại Việt Nam, cũng như cờ đỏ đã biến mất khỏi Ðông Âu và Nga Xô, quê hương của chủ nghĩa cộng sản.


Nhưng xúc động hơn hết là buổi chào cờ cuối cùng trên đất Nam ngày 30 tháng 4, 1975 của những em thiếu sinh quân Vũng Tàu, trước khi ngôi trường lọt vào tay Bắc quân. Nhà văn Hải Triều đã đưa câu chuyện này vào danh sách những trận đánh không tên trong quân sử, có thể nói đã đi vào lịch sử.


Cuốn phim cũng không bỏ qua sự thất bại của các tòa đại sứ cộng sản không ngừng vận động các chính quyền sở tại để ngăn chận các nghị quyết công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ, là biểu tượng của Tự Do (Freedom Flag) tại những nơi có người Việt tỵ nạn cộng sản cư ngụ.


Trong phim sẽ xuất hiện một người con gái Sài Gòn, cô sinh viên Phan Thị Bình, đã cất tiếng hát đầu tiên bản Sinh Viên Hành Khúc, mà nay là Quốc ca Việt Nam tại giảng đường Ðại Học Hà Nội ngày 14 tháng 3, 1942, và ba tháng sau đó tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Người con gái ấy hôm nay đã bước vào tuổi chín mươi.


Bảy mươi năm sau, tại một đất nước vừa thoát khỏi bóng ma cộng sản, bản Quốc ca Việt Nam sẽ được trỗi lên bởi một ban nhạc nổi tiếng của Ukraine, với những nhạc sĩ chuyên nghiệp đã từng đi biểu diễn trên thế giới. Ban nhạc Ukrainian National Presidential Orchestra. Ðây là một phần của dự án cuốn phim Hồn Việt.


Thực hiện cuốn phim này, Vietnam Film Club nhằm mục đích tưởng nhớ tiền nhân đã khổ công gầy dựng giang sơn Việt Nam, đã đổ máu để bảo vệ bờ cõi qua hằng thế hệ, và tưởng niệm những người đã nằm xuống dưới ngọn cờ dân tộc.


Còn nhớ, trong một buổi hội luận trên PalTalk tháng 10 năm 2011, về đề tài Quốc kỳ Quốc ca Việt Nam, chúng tôi đã hứng khởi hứa với diễn đàn sẽ thực hiện một video về lá cờ vàng ba sọc đỏ.


Tưởng chừng còn lâu mới giữ được lời hứa, thế mà hôm nay dự án đang đi vào giai đoạn cuối. Sau gần bốn tháng trao đổi, sắp xếp, Ukrainian National Presidential Orchestra đồng ý thực hiện hợp đồng trình diễn. Câu hỏi đẩu tiên dành cho nhạc sĩ Lê Văn Khoa, người trực tiếp lo việc này: tại sao không thực hiện tại Hoa Kỳ hay một nước khác mà phải lặn lội qua Ukraine?


Thật ngạc nhiên khi nghe anh nói. Chi phí tại Hoa Kỳ rất cao, chưa nói các khoản khác như bải hiểm cho nhạc sĩ, tiền thuê Studio. Anh cũng đã thử trao đổi với Úc Châu, nhưng không kết quả. Tình cờ có người giới thiệu Kiev Symphony Orchestra với giá phải chăng, anh mừng như vớ được vàng… bốn số 9.


Ngày Thứ Ba, trời mưa lất phất. Theo chương trình sắp sẵn, Taras chở chúng tôi đi thăm một vài nơi. Anh hỏi tôi thích chỗ nào. Tôi cần đến các đài tưởng niệm nạn nhân cộng sản. Bia tưởng niệm những người chết vì nạn đói năm 1932-1933 nằm ngay trước nhà thờ St. Michael. Nơi đây, người ta trưng bày hình ảnh những nạn nhân chết đói, trần truồng bị vất xuống hố sâu như những con thú. Ðiều trớ trêu, lúc đó Ukraine là một phần đất phì nhiêu dồi dào lương thực.


Một đài tưởng niệm nạn nhân cộng sản khác cũng gần đó, kiến trúc rất mỹ thuật và tối tân. Tiếc rằng chúng tôi không có thì giờ vào bên trong. Ngồi trên xe, tôi đặt đủ thứ câu hỏi về đất nước và con người Ukraine, Taras chậm rãi trả lời.


Lịch sử của Ukraine là những trang sử bị ngoại xâm chiếm đóng. Trước tiên là Batu-Khan, con trai của Genghis Khan đã cho vó ngựa giẫm nát Kiev và phá hủy hầu hết các ngôi đền. Trong quá khứ, đất nước này cũng đã là miếng mồi ngon cho Ba Lan, Nga và đế quốc Ottoman.


Cũng không thể quên Hiến Pháp Âu Châu đã được viết ra tại Ukraine. Dấu mốc bi thảm nhất trong lịch sử Ukraine là suốt hai năm 1932-1933, Staline đã thu gom lương thực để nuôi quân và xuất cảng. Kế hoạch này đã giết hơn 8 triệu người dân quê Ukraine. Và thảm kịch sau cùng của thế kỷ 20 là tai họa lò nguyên tử Chernobyl năm 1986.


Sau khi giành độc lập năm 1991, Ukraine phục hồi lại kinh tế, nhưng phải đối phó với nạn tham nhũng và một chính sách thiếu hiệu quả. Những khó khăn về kinh tế, xã hội, đạo lý của quá khứ đã làm phân hóa xã hội vẫn chưa biến mất khỏi xã hội.


Ukraine đang hồi sinh, dù bước đi rất chậm. Khi tôi bày tỏ lạc quan về đất nước Ukraine, vì lý do nào đó, có vẻ như Taras ngần ngại chưa muốn đồng tình. Sau đó, anh cho biết cách đây vài năm, vì những khó khăn về kinh tế, một số người đã biểu tình đòi hỏi chính phủ quay trở lại với búa liềm thời Liên Xô. Nhưng bây giờ thì hiện tượng đó không còn nữa.


Sau đó, Taras dẫn đến một tu viện rộng lớn, tu viện Kiev Pechersk Lavra Monastery được xây cất vào thế kỷ 11 với những ngôi đền thờ Orthodox, vòm mái lát vàng. Taras chỉ một ngôi nhà thờ rất đẹp cùng kiến trúc như những nhà thờ chung quanh. Anh giải thích, dưới thời Staline, ngôi nhà thờ này bị phá hủy hoàn toàn, nay được xây lại với kiến trúc nguyên thủy.


Lác đác vài tu sĩ đang rảo bước dưới cơn mưa. Chúng tôi vào một nhà nguyện đang cử hành thánh lễ. Suốt buổi lễ, những người tham dự làm dấu thánh rất nhiều lần. Tiếp đến là nhà thờ St. Sophia, nhưng vì không có thì giờ, nên cũng chỉ đứng ngoài mà ngắm.


Dù phải đối phó với những bất ổn chính trị, nhưng Ukraine lại phát triển nhanh về tôn giáo. So với các nước hậu cộng sản thuộc khối Nga sô, hiện nay Ukraine được coi như một ốc đảo của tự do tôn giáo. Chính Thống Giáo chiếm đa số, nhưng các tôn giáo khác vẫn tiếp tục phát triển.


Ngày Thứ Tư, trời vẫn mưa rả rích. Dân chúng đi lại thưa thớt. Dáng đi của họ bình thản và khó hiểu. Hay đó là nét cố hữu của dân tộc họ từ xa xưa? Ðường phố Kiev qua làn mưa mang vẻ bình yên nhưng lại rất buồn, một nỗi buồn quen thuộc với tôi. Hay tại tôi nhớ cơn mưa phùn ngoài Bắc?


Hôm nay chúng tôi đến Ukrainian National Kiev Radio Studio. Taras cho biết đây là Studio lớn thứ nhì của Châu Âu.


Cũng như mọi kiến trúc trong thành phố, mặt tiền tòa nhà không được trang điểm. Nhìn bên ngoải chẳng có gì nghệ thuật, như thể dân Ukraine không quan tâm vẻ bên ngoài. Nhưng khi vào bên trong mới thấy họ trang trí rất mỹ thuật. Một hành lang dài trưng bày những bức ảnh về âm nhạc. Chị Ngọc Hà nhận ra một vài bức hình rất xưa của những ca sĩ gạo cội của thế kỷ 20.


Taras dẫn chúng tôi đến Studio chính. Anh Khoa lấy làm tiếc vì Studio chính đang sửa chữa, nên ban nhạc sẽ dùng một Studio khác nhỏ hơn. Nếu chúng tôi dời lại chuyến đi hai tháng, Studio sửa xong, thì show của mình sẽ được trình diễn một nơi tuyệt vời về không gian với những trang trí nghệ thuật. Nhưng vì nhiều lý do, chúng tôi không thể hoãn lại chuyến đi.


Hôm nay ban nhạc Kyivsk Kamareta tập dợt để thu âm một CD cho chị Ngọc Hà. Vì không có thu hình nên toàn ban nhạc ăn mặc tự do. Tập dợt và thu âm kéo dài đến gần bốn giờ chiều.


Ra khỏi Studio, Taras lại rủ đi ăn. Nhưng chúng tôi muốn về nhà, vì chị Ngọc Hà đã làm sẵn thức ăn từ sáng sớm. Taras cũng nhào vô bếp nấu vài món địa phương.


Ngày Thứ Năm, chính thức thu âm và thu hình cho Vietnam Film Club. Chúng tôi đến rất sớm.


Khoảng 11 giờ, ban nhạc, đúng hơn ban Quân Nhạc Ukrainian National Presidential Orchestra trực thuộc Phủ Tổng Thống, lần lượt bước vào Studio với lễ phục đen và nhạc cụ riêng của họ. Taras cho biết họ là những nhạc sĩ chuyên nghiệp, có kỷ luật, được đào tạo từ nhỏ. Ban nhạc nầy chuyên trình diễn trong các lễ nghi của chính phủ.


Khởi đầu, ban nhạc thu âm thử giọng của chị Ngọc Hà với bài Quốc ca Hoa Kỳ. Sau đó, họ lần lượt tập dợt từng nhóm nhạc cụ theo từng bài: Nhạc mở đầu, Chiêu Hồn Tử Sĩ, Quốc Ca Việt Nam. Không như hôm qua, lần này cuộc tập dợt không kéo dài lâu.


Qua khung cửa kính của Control room, đứng bên cạnh sound engineer, chúng tôi quan sát ban nhạc trình diễn. Tôi nghĩ anh chàng sound engineer nầy có đôi tai thiên phú. Không cần đeo headphone, vẫn kiểm soát được các nhạc sĩ, thỉnh thoảng ra lệnh ngưng trình diễn và giải thích những chỗ sai cho họ.


Nhìn anh Khoa đi lại từng bước lắng nghe sơ sót của ban nhạc, mới thấy người nhạc sĩ Việt Nam này đã miệt mài làm công việc nghệ thuật trong suốt mấy tháng nay, hầu có thể hoàn tất theo dự tính việc soạn hòa âm và phối khí cho ban nhạc.


Tập dợt chấm dứt, cũng là lúc hai cameramen bước vào. Rất may, hai bạn trẻ này nói tiếng Anh khá trôi chảy. Chúng tôi trao đổi với nhau về vị trí các máy quay. Ðặc biệt, họ dùng hai máy Canon nhỏ vừa chụp hình vừa quay video, loại camcorder chuyên nghiệp mới.


Thoạt đầu, chăm chú vào máy quay, tôi không rõ mình đã có những cảm xúc nào. Nhưng gần đến phần kết thúc bản Quốc ca, khi các nhạc cụ cùng trỗi lên mạnh mẽ, mới thấy một cảm giác rúng động toàn thân. Có gì đó linh thiêng tiềm tàng trong âm thanh bản Quốc ca. Hồn Việt!


Nơi đây, đất lạ quê người, nhưng âm thanh này lại liên quan đến đất nước và dân tộc tôi. Âm thanh như xoáy vòng trong căn phòng. Như từ quá khứ vọng về. Như cùng chảy theo ba dòng sông quê hương, lướt trên những cánh đồng lúa chín bạt ngàn. Tiếng nhạc như toát ra nỗi căm hờn những kẻ được đất nước nuôi dưỡng, nhưng lại đi bán chính đất đai của tổ tiên mình. Tiếng nhạc như tiếng chiêng tiếng trống cảnh báo và thúc giục: Hồn Việt!

Hồn Việt! Như một tiếng dội từ lịch sử.


Chúng tôi, những trái tim Việt Nam đến đây để nhờ những người bạn Ukraine đánh lên âm vang Hồn Việt của đất nước mình. Quốc Ca của lịch sử, của vận mệnh đất nước, của dân tộc triền miên đau khổ, của miệt mài đấu tranh, và của triển vọng ngày mai về lại quê hương.


Tôi nhớ lại cuộc phỏng vấn nhân chứng Phan Thị Bình nói về buổi trình diễn bản Sinh Viên Hành Khúc tại Nhà Hát Lớn Hà Nội năm 1942. Bà nói, khi ban nhạc Marine của Pháp trỗi lên bản nhạc này, mọi người trong rạp hát đều nổi gai ốc. Bảy mươi năm sau, tại một đất nước xa lạ, khi bản Quốc ca Việt Nam được trỗi lên, tôi có cảm tưởng lịch sử đang tái diễn.


Quốc kỳ Việt Nam đang bay phất phới những nơi nào trên thế giới có người Việt tỵ nạn cộng sản cư ngụ. Cờ vàng lên tận đỉnh cao Everest của dãy Hy Mã Lạp Sơn. Cờ vàng uy nghi trên bàn thờ Tổ quốc. Cờ vàng rộn rã trong các lễ hội, trang trí trên chiếc dù che nắng, nổi bật trên chiếc cà vạt. Cờ vàng thi gan cùng mưa nắng trên mái nhà. Cờ vàng đi khắp nơi, có mặt trên chiến hạm Hoa Kỳ, và cũng hòa với cát bụi trên chiến trường Iraq. Quốc kỳ Việt Nam, di sản của người Việt tỵ nạn cộng sản!


Cờ vàng phải được dựng lại ngay trên quê hương. Bởi lá cờ không vay mượn của một đất nước nào, mà chính là màu cờ của dân tộc Việt Nam, đã có từ trong lịch sử và hôm nay tràn ngập trong trái tim mỗi người Việt Nam trên thế giới.


Những gì thuộc về lịch sử không thể thay đổi, không thể tô vẽ như thần thánh, cũng không thể bị bóp méo. Ngày hôm nay, sức mạnh, sự linh thiêng, và giá trị lịch sử của Quốc kỳ phải được lưu lại cho thế hệ đi sau, để họ hiểu ra, cha ông của họ đã một đời chiến đấu và hy sinh dưới ngọn cờ dân tộc.


Khi tìm hiểu ý nghĩa mô hình “con ong” được chọn để xây dựng Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, thế hệ trẻ sẽ thấu hiểu được vì đâu cha ông họ đã hy sinh mạng sống của mình.


“Tôi trung không thờ hai chúa

Người lính chỉ chết cho một ngọn cờ.”


Nhưng nơi đâu, dưới lòng đất lạnh hay đang mòn mỏi những ngày còn lại nơi đất khách quê người, khát vọng mãi mãi của họ là thấy con cháu ngày mai dựng lại ngọn cờ dân tộc trên quê hương Việt Nam.


Phi trường Kiev. Taras đưa tôi đến tận khu kiểm soát hành lý. Anh không muốn tôi bị trở ngại nào khi làm thủ tục lên máy bay. Nhìn Taras sánh đôi với người nhạc sĩ Việt Nam rời thang máy, tôi muốn nói với người bạn Ukraine mới quen: chúng tôi đã để lại Hồn Việt trên đất nước của anh – Ukraine – xứ sở của âm nhạc và của hồi sinh.





25 views0 comments

コメント


bottom of page